Hiển thị các bài đăng có nhãn thong-tin-cay-canh. Hiển thị tất cả bài đăng

Thú chơi mai kiểng của người xưa

Mai nở hoa có mùa. Đó là ... mùa Tết. Hoa Mai tượng trưng cho sự may mắn, sự thịnh vượng và hạnh phúc suốt năm cho cả gia đình. Vì vậy, nếu trong nhà có một vài cây Mai nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán, nhất là từ giây phút thiêng liêng đón giao thừa trở đi và nếu đó là một cây Mai quý thì thật không có gì sung sướng và hạnh phúc cho bằng...

Nhưng nếu trồng Mai chỉ để trông cây mỗi một việc được thưởng thức hoa trong ba ngày Tết thì quả là chuyện không hấp dẫn được ai. Chẳng lẽ cả năm dài miệt mài chăm lo tưới bón, tỉa lá bắt sâu, để rồi chỉ chờ được ngắm hoa trong ba ngày Tết ngắn ngủi thì còn gì nản bằng!

mai-kieng

Những ai trồng Mai và chơi Mai với ý muốn giản dị như thế thì xin lỗi, đó là người chưa biết cách chơi Mai.

Vấn đề này không phải nói cường điệu, ta cần phải "Ôn cố tri tân", nên tìm hiểu ngrười xưa chơi Mai như thế nào, quý cây mai ra sao... để theo đó mà tìm ra được một phong thái riêng cho cách chơi của mình, như vậy mới tăng thêm phần thú vị.

Do cây Mai có thân gỗ, sống lâu năm, nên ông cha ta trồng Mai làm cây kiểng. Đời ông Sơ, ông Cố trồng, nếu chăm sóc tốt, uốn tỉa khéo vẫn có thể dành lại cho cháu chắt năm sáu đời sau chơi tiếp. Những cây "lão Mai" đó chắc chắn là vô giá đối với người đời, có đem vàng ra đổi nào ai có chịu bán!

Đừng nói chi cây lão Mai hơn hai trăm tuổi thọ, mà chỉ những cây mới trồng được năm sáu chục năm thôi, với thế "Long thăng", "Hổ phục"... đã có cái giá khó với tới rồi; càng nhìn càng không chán mắt!

Đấy! Cây Mai vốn là giống cây tầm thường(gốc gác tại rừng), nếu là cây tơ vào vườn xin một đôi cây không ai tiếc, thế nhưng khi đã là cây kiểng, nhất là kiểng cổ thì cái giá lại vô ngần.

Khi đã là cây kiểng, hàng ngày người trồng Mai không còn lưu giữ cái ý nghĩa tệ bạc rẻ rúng với Mai, mà lúc nào cũng chăm lo tưới bón, tỉa lá bắt sâu tạo cho Mai có dáng, có hình, có thần, có sắc, hễ nhìn là... bắt mắt, là đủ mê say.

Những điển tích về cây mai

Gió trúc mưa mai (trúc phong mai vũ): Cây trúc gặp gió thổi lá bay như cờ bay, hoa mai gặp mưa xuân, trông cây thật đẹp! Nên gió trúc mưa mai, dùng để tả cảnh vui tươi, đẹp đẽ.

Tặng mai (gởi mai): Tích xưa Lục Khải và Phạm Hoa là bạn thân. Lục khải ở Giang Nam gởi tặng bạn một cành mai về tận Tràng An cho Phạm Hoa. Nên tặng mai dùng để nói lên tình bạn bè thân thiết.

mai-lan-cuc-truc
Tranh bộ tứ quý " Mai - Lan - Cúc - Trúc"

Hồn mai (quế phách hồn mai): Tích ngày xưa Triệu Sư Hùng đến La Phù đi qua rừng, trời tối, phải vào quán trọ. Có một người con gái đón chào thanh tao lịch sự, mời uống rượu đến say. Ngủ đến sáng thức dậy, thấy mình nằm dưới gốc cây mai. Nên hồn mai dùng để tả giấc ngủ ngon lành, êm đẹp.

Hiên mai: Ngày xưa người ta rất ưa quý cây mai nên hay trồng ngay ở mé hiên nhà, ví hoa mai như người tài giỏi, thanh cao. Nên Hiên mai dùng để ước ao trong nhà có người tài giỏi, thanh cao!

Trúc mai: Hai loại cây trong bộ Tứ quý "Mai, Lan, Cúc, Trúc" mà người đời rất quý trọng, vì khí tiết, tư cách, nên hay dùng để tượng trưng cho tình nghĩa bạn bè, tình sum họp êm ấm của vợ chồng.

- Trúc là một loại tre dáng nhỏ và thanh, bao giờ cũng xanh tươi, thân thẳng thường ví như tư cách của người quân tử, lòng ngay thẳng.

- Mai là một cây như cây mơ, nở hoa vào đầu mùa xuân mặc dù giá lạnh, nên ví như tiết tháo người quân tử thủy chung.

Nhưng trong quyển "Điển hay Tích lạ", Nguyễn Tử Quang giải thích Mai là cây bương, là một loại tre to trong rừng, lá to dùng để gói bánh, thân to đùng để làm cột nhà. Hoa cây bương gọi là bông mai, dùng để bó chổi gọi là chổi bông mai. Mai này không phải là cây mơ.

Măng bương to và mập, người ta gọi là măng mai. Trong ca dao " Lính thú ngày xưa" có câu:

"Miệng ăn măng trúc măng mai
Những giang cùng nứa lấy ai bạn cùng"

Nên trúc, mai đều ngay thẳng quân tử, là những người trọn đời giữ vững lòng ngay, tiết thẳng.

Song mai, do câu:
"Tương tu nhất dạ mai hoa phát
Hốt háo song tiền nghị thị quân" 

Nghĩa là:

"Nhớ mong một đêm hoa mai nở
Hốt ngỡ chàng đứng trước cửa sổ".

Nên song mai dùng để tỏ lòng nhớ thương, mong chờ...

Theo: Huỳnh Văn Thới - Chủ tịch hội sinh vật cảnh Tân Bình - Hồ Chí Minh